Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Ngũ Hùng - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Ngũ Hùng

​Đặc điểm tình hình: Xã Ngũ Hùng nằm ở phía nam huyện Thanh Miện, phía bắc giáp xã Hùng Sơn cũ, phía đông giáp xã Tân Quang (Ninh Giang), phía tây giáp xã Chi Lăng Bắc, xã Tứ Cường, phía nam giáp xã Thanh Giang, Chi Lăng Nam, xã có 05 thôn với tổng diện tích tự nhiên là 868,98 ha, diện tích canh tác 521,71 ha, xã có gần 9.602 nhân khẩu, với 2.868 hộ có các trục đường tỉnh lộ 392, 392b chạy qua .


* Về v trí, địa giới xã Ngũ Hùng:

Căn cứ bản đồ hành chính của tỉnh Hải Dương, bản đồ hành chính của huyện Thanh Miện và bản đồ hành chính xã Ngũ Hùng đang sử dụng thì:

Địa giới xã Ngũ Hùng nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hải Dương, nằm ở phía Đông Nam của huyện Thanh Miện.

Địa giới xã Ngũ Hùng:

- Phía Bắc giáp xã Lê Bình, xã Hùng Sơn.

- Phía Đông giáp xã Hoàng Hanh, xã Quang Hưng, xã Tân Quang.

- Phía Nam giáp xã Văn Hội, xã Thanh Giang.

- Phía Tây giáp xã Chi Lăng Nam, xã Chi Lăng Bắc, xã Tứ Cường.

Phía Bắc xã Ngũ Hùng là dòng sông Neo, là đường ranh giới giữa khu Bắc huyện Thanh Miện và khu Nam huyện Thanh Miện ( Trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 sông Neo là ranh giới giữa khu Sáu tổng phía Bắc và khu Ba tổng phía Nam của huyện Thanh Miện). Đoạn sông nằm phía Bắc xã Ngũ Hùng dài 4 km. Dòng sông Neo là đường thủy thuận tiện cho việc giao thông vận tải, thuyền bè các nơi giao thương qua xã Ngũ Hùng.

- Phía Đông xã Ngũ Hùng là quốc lộ 192 nếu đi từ Hà Nội, qua Quán Gỏi huyện Cẩm Giàng, qua Kẻ Sặt huyện Bình Giang qua xã Lam Sơn, xã Quang Minh huyện Gia Lộc, qua xã Hùng Sơn, qua Ngũ Hùng xuống Văn Giang rồi qua sông Luộc sang tỉnh Thái Bình. Bên cạnh con đường 192 đoạn từ Hùng Sơn đi qua Điếm Tổng là dòng máng dẫn nước gặp dòng sông Cửu An chạy từ sông Neo về để đi sang huyện Ninh Giang.

- Phía Tây có quốc lộ 20B chạy dọc xã từ Thị trấn huyện Thanh Miện đến xã Tiền Phong theo hướng Bắc Nam. Đó là con đường huyết mạch giao thông của huyện Thanh Miện đã bao đời nay. Con đường 20B nối liền đê sông Neo và đê sông Luộc; qua sông Luộc sang Thái Bình. Đây là con đường giao thông chính chạy dọc huyện đi từ Hà Nội, qua Bình Giang về thanh Miện, qua sông Luộc sang Thái Bình. Trục đường 20 B Như một dây cung dài 8 km (Từ đập Neo qua Ngũ Hùng, qua Thanh Giang tới đê sông Luộc thuộc xã Tiền Phong. Đoạn đường 20B từ sông Neo đi qua Ngũ Hùng đến ngã tư cống Tiêu Lâm, rẽ trái đi huyện Ninh Giang, đi thẳng xuống đê sông Luộc; rẽ phải đi Đảo Cò nổi tiếng xã Chi Lăng Nam. Đoạn đường này nằm bên dòng sông Cửu An nằm trong hệ thống công trình tưới tiêu Đai thủy nông Bắc Hưng Hải.

- Làng xóm, các cụm dân cư xã Ngũ Hùng nối tiếp nhau chạy dài từ My Trì đến Tiêu Lâm như một vòng cung xanh tươi, trù phú ôm trọn đường dây cung huyết mạch giao thông là đường 20B phía Tây và đường 192 phía Đông. Hai con đường gần như chạy song song với nhau đã từ lâu đời gắn bó ôm ấp lấy làng xóm dân cư xã Ngũ Hùng.

Ngũ Hùng có một trục đường chạy dọc xã, liên thôn nối liền các cụm dâu cư từ My Trì, Nại Trì đến Chợ Ngoại, đến Tiêu Lâm. Ngoài ra xã Ngũ Hùng còn có các đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn khác....

* Về diện tích, dân số, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác của xã Ngũ Hùng:

Ngũ Hùng có diện tích khoảng trên 82 km2 với trên 700 hộ, trên 8.000 khẩu, gần 800 suất đinh; trên dưới 20 dòng họ. Nhân dân trong xã hầu hết là người dân tộc Kinh, phần lớn theo Phật giáo. Số người theo Đạo Thiên Chúa không nhiều, khoảng trên dưới 20 hộ nằm rải rác ở các thôn My Trì, Cụ Trì, Tiêu Lâm.

Xã Ngũ Hùng có diện tích canh tác vào loại khá trong huyện ( Đất canh tác toàn xã có trên 2.300 mẫu Bắc bộ). Bình quân gần 3 sào trên nhân khẩu. Do đó, nghề chính của dân là trồng lúa nước, trồng rau mầu, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, chăn nuôi gà vịt, ngan ngỗng, thả cá...Nghề phụ khi nông nhàn từ xưa có nghề chài lưới, làm mộc, thợ xây; cắt tóc, thợ may; dịch vụ buôn bán nhỏ...

Từ xưa, Ngũ Hùng là một xã đông dân, nhiều ruộng đất; có một tiềm năng đất đai trù phú và sức lao động dồi dào. Ruộng canh tác nhiều nhưng không đồng đều, các cánh đồng có cốt đất cao thấp khác nhau. Những cánh đồng giáp xã Thanh Giang, Văn Hội, Tân Quang, Hoàng Hanh, Chi Lăng Bắc, Tứ Cường, Chi Lăng Nam chỉ cấy được một vụ mùa vì không có nguồn nước. Ngược lại một số cánh đồng như Đồng Xanh, Cửa Miếu, Bãi Cọ, Cửa Đình, Đồng Môn, Cầu Dừa, Sốc Gọc, của các thôn My Trì, Nại Trì, Cụ Trì hay cánh đồng làn xóm Thượng do đất trũng chỉ cấy được vụ chiêm vì sợ úng.

+ Ngũ Hùng là một xã có vị trí khá quan trọng về nhiều mặt:.

Từ vị trí địa lý như đã nêu ở trên, xã Ngũ Hùng từ xa xưa, trong chế độ phong kiến đã có các mối quan hệ và sự tác động qua lại với nhiều huyện bạn như: Ninh Giang, Gia Lộc, Phù Cừ, một số huyện thuộc tỉnh Thái Bình và nhiều nơi khác. Chợ La Ngoại là một trong những chợ lớn nhất của khu vực cùng với chợ Thông, chợ Bùi. (Chợ Ngoại mỗi tháng họp 12 phiên vào các ngày: Mùng Ba, mùng Tám, mùng Năm, mùng Mười tính theo âm lịch). Nơi đây buôn bán lợn, trâu, bò, gà vịt. cùng các mặt hàng nông sản khác như thóc gạo, ngô khoai sắn đỗ lạc vừng.... và đón nhận các mặt hàng lâm sản, thủy sản, hải sản từ các vùng miền mang về như: Măng nứa, măng tre, gốm Bát Tràng, chiếu Hà Nam, chiếu Thái Bình; vải tơ Nam Định, lụa Hà Đông...Xồi dũi Đầu Lâm, Đoàn Tùng...Dưa hấu, rau mầu từ xã Phạm Kha, dưa hấu cát lòng mang từ Từa, Cao Hưng Yên sang, mía Tiền phong, Khoai Thói, chè tươi làng Giải Thanh Giang...Mắm, muối, cá khô, Cà da, tôm, cua biển, xứa biển, rươi Thanh Hà, rươi Kim Thành...nước mắm chắt, nước mắm đóng hũ sành Phú Quốc; nước mắm Cát Hải, Hải Phòng...đều có mặt ở chợ Ngoại.

Ngũ Hùng xưa còn có Chợ Đình nằm trên trục đường xã tại khu vực cây đa gần ngã ba từ Cụ Trì đi My Trì và đi Nại Trì. Đây là khu chợ con tạo điều kiện cho nhân dân trao đổi hàng hóa trong khu vực làng xã là chính. Dân làng từ lâu đời có truyền thống yêu thương giúp đỡ, đùm bọc lấy nhau trong quan hệ gắn bó họ mạc xóm giềng “Sớm lửa tối đèn có nhau".