Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Ngũ Hùng - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Ngũ Hùng

​​​​1. DI TÍCH CHÙA MUI

Chùa Mui (xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui cũng là niềm tự hào của người dân thôn Cụ Trì.


Chùa Mui có tên tự là Viên Quang Tự, nằm ngay giữa thôn Cụ Trì (xã Ngũ Hùng, Thanh Miện), mặt tiền quay hướng đông nam nhìn ra ao đình. Trước kia, công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, xây dựng theo kiểu bít đốc bổ trụ. Phía sau chùa là khoảng sân rộng và 5 gian nhà tổ, 5 gian nhà tăng, phía trước là sân. Năm 1941, sư trụ trì đã cho nâng cấp gian tiền đường. Sau Cách mạng Tháng Tám, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của xã Ngũ Hùng, là xưởng sản xuất vũ khí, là nơi mở các lớp bình dân học vụ và cũng là nơi mở lớp học của trường cấp I và cấp II xã Ngũ Hùng. Dưới nền hậu cung còn có hầm bí mật là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những năm 1947 - 1948, chùa là nơi làm việc của Toà án Nhân dân huyện. Các năm 1948 - 1949, 5 gian nhà tổ, 5 gian nhà tăng bị thực dân Pháp đánh phá. Các năm 1950 - 1951, đây là nơi sản xuất vũ khí của Tỉnh đội Hải Dương, năm 1952 là trụ sở làm việc của Văn phòng Khu Tả Ngạn... Chùa vẫn còn giữ được khá nhiều phong tục lễ hội như: giỗ Mẫu 3 tháng 3 âm lịch, giỗ cụ sư Trọng 18-3 âm lịch, ngày Phật đản mồng 8 - 4, ngày lễ Vu Lan 15 - 7…

Trải qua những thăng trầm lịch sử, thể theo nguyện vọng của nhân dân, chùa đã được tu sửa nhiều lần. Hiện nay, chùa nằm trên một khu đất cao ráo. 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín vẫn còn khá nguyên vẹn cho tới nay. Năm gian tiền đường dài 10,83m, rộng 4,5m với kết cấu chính là 4 vì kèo chất liệu gỗ tứ thiết chắc khoẻ, hai vì kèo gian trung tâm có kiến trúc kẻ chuyền, chồng rường. Hai vì kèo gian bên kiểu chồng rường. Các chi tiết mềm mại, chau chuốt, liên quan với nhau bởi hệ thống mang mộng bén khít. Liên kết giữa các vì kèo là hệ thống lá mái, rui mái, hoành mái, thượng lương… Công trình có quy mô nhỏ, lòng nhà hẹp, kích thước của cột cái và cột quân nhỏ. Lòng mái mở theo thức “thượng tam, hạ tứ", móng tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá truyền thống. Tại hiên gian trung tâm, còn lưu giữ được các bức chạm theo đề tài lá hoá long khá sống động, tinh vi của nghệ nhân dân gian. Ba gian hậu cung dài 6,93 m, rộng 6,68m gồm 3 vì kèo kiến trúc kiểu gạch cuốn vòm… Chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như các pho tượng gỗ, bát hương, nậm rượu, đĩa thế kỷ 19. Đặc biệt là có 5 bia đá cổ niên đại thời Nguyễn…
Năm 2011, chùa Mui được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui cũng là niềm tự hào của các thế hệ người dân thôn Cụ Trì.

* Để biết thêm chi tiết về di tích lịch sử chùa Mui - thôn Cụ Trì, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương mọi người có thể quét mã QR code dưới đây:


* Đường chỉ dẫn bản đồ đến di tích Chùa Mui​​​xem chi tiết tại đây​

2. DI TÍCH CHÙA CHUNG (Xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương)



 1. Tên gọi di tích

         a) Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học: Chùa Chung, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện.

         b) Tên tự: Phúc Hưng tự (chùa Phúc Hưng).

Theo triết tự chữ Hán “Phúc Hưng" có nghĩa là đem lại điềm lành, sự may mắn, hưng thịnh cho mọi người.

        Chùa Chung tọa lạc tại thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Căn cứ sách: “Tên làng xã Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX", La Ngoại là một thôn của xã La Ngoại, tổng La Ngoại, huyện Thanh Miện, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Thôn La Ngoại có 4 xóm là Tiền, Thượng, Đà và Trung. Tại mỗi xóm đều có một ngôi chùa nhưng chùa xóm Trung có quy mô lớn và đẹp nhất nên được gọi là chùa Chung. Tên gọi chùa Chung được giữ nguyên tới ngày nay.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích

a) Địa điểm di tích:

       Chùa Chung nằm ở đầu thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

       Vào đầu thế kỷ XIX, La Ngoại là một thôn thuộc xã La Ngoại, tổng La Ngoại, huyện Thanh Miện, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Tổng La Ngoại gồm sáu (thôn, xã): La Ngoại, Cự Trì, My Trì, Nại Trì, Tiêu Lâm và Tiêu Ổ.

 Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ cách mạng lâm thời về việc thay đổi đơn vị hành chính cấp làng (xã), tổng và phủ thôn La Ngoại sáp nhập với một số thôn khác thành xã mới, lấy tên là xã Ngũ Hùng, thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Năm 1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành một tỉnh, lấy tên là Hải Hưng. Từ đây, xã Ngũ Hùng thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Hưng.

Năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 70/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới 13 huyện của tỉnh thành 7 huyện mới. Trong đó hợp nhất hai huyện Thanh Miện và Ninh Giang thành một huyện mới, lấy tên là Ninh Thanh, huyện lỵ đặt tại huyện Thanh Miện cũ. Theo đó, xã Ngũ Hùng thuộc huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng.

Sau ngày tái lập tỉnh, huyện vào năm 1997, xã Ngũ Hùng thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào bản đồ địa chính hiện hành, xã Ngũ Hùng có vị trí địa lý như sau:

- Phía Đông giáp: xã Hoàng Hanh và Tân Quang (huyện Ninh Giang);

- Phía Tây giáp: xã Tứ Cường và Chi Lăng Bắc (huyện Thanh Miện);

- Phía Bắc giáp: sông Neo (huyện Thanh Miện);

- Phía Nam giáp: xã Thanh Giang (huyện Thanh Miện).

Xã Ngũ Hùng hiện nay gồm sáu thôn: La Ngoại, My Trì, Nại Trì, Tiêu Lâm, Văn Ổ và Cự Trì.

b) Đường đi đến di tích:

        Về thăm chùa Chung du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương (tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương) theo đường tỉnh lộ 399 đến cầu Neo, rẽ trái vào đường 392B khoảng 4km, từ đây rẽ trái vào đường liên xã Ngũ Hùng khoảng 1km là đến di tích. Di tích nằm tại bên trái đường.

Toàn tuyến đường dài khoảng 23km được trải nhựa rộng rãi phù hợp với tất cả các loại phương tiện giao thông.

3. Phân loại di tích:

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu về di tích như quy mô kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử nhân vật được thờ, phong tục lễ hội; Căn cứ vào Điều 11, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ, chúng tôi phân loại chùa Chung, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện thuộc loại: Di tích kiến trúc nghệ thuật.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

a) Sự kiện:

- Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), La Ngoại là một trong những địa phương bị địch chiếm đóng và càn quét dữ dội, chùa Chung là địa điểm tập kết lực lượng đánh giặc, các đơn vị bộ đội của tỉnh do đồng chí Mai Năng Hách (sau này là bí thư tỉnh Hưng Yên), Trần Tạo, Hồng Vũ chỉ huy đã đóng quân tại chùa đồng thời chùa cũng là trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh và Công an tỉnh Hải Dương.

- Đặc biệt, vào năm 1952, trong trận đánh bốt Triệu (cách chùa khoảng 3km về hướng Đông Bắc, nay là địa phận xã Hùng Sơn), quân ta bị thiệt hại hơn 30 người. Tất cả những người này đã được đưa về sân chùa trước khi tiến hành chôn cất. Số lính Pháp mà quân và dân ta bắt được cũng đưa về chùa giam giữ làm tù binh.

- Năm 1962, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan", 3 gian tiền đường bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng nhà kho của Hợp tác xã và 3 thượng điện cung cũng bị xuống cấp và hư hại. Công trình chỉ còn 3 gian nhà Tổ.

- Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vào các năm 1960, 1961, khuôn viên chùa được trưng dụng làm nơi sinh hoạt của các đoàn thể và địa điểm tổ chức kết nạp cho các đảng viên mới. Năm 1966 - 1967, chùa là nơi tập kết lực lượng của dân quân du kích xã Ngũ Hùng đồng thời cũng là nơi an dưỡng của đơn vị 240 thuộc Bộ Quốc phòng. Phía sau thượng điện còn được xây dựng một dãy nhà làm lớp học của trường cấp 1 xã Ngũ Hùng và một dãy nhà làm nơi ở cho giáo viên. Năm 1968, trường học được chuyển về khu trung tâm xã như hiện nay (cách chùa khoảng 500m về hướng Đông -  Bắc).

- Năm 1993, nhà Tổ bị xuống cấp, nhân dân địa phương xây dựng 3 gian nhà ngang làm nơi chuẩn bị lễ vật khi hội chùa.

- Năm 1995, khôi phục, tôn tạo thượng điện, trung đường và đưa vào khai thác sử dụng.

- Năm 2000, khôi phục 3 gian tiền đường.

b) Nhân vật lịch sử:

          Chùa Chung được xây dựng làm nơi thờ Phật Thích Ca Mầu Ni theo thiền phái Đại thừa. Đây là một thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Đối với địa phư­­ơng, chùa Chung là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, nơi khuyên răn cho con người sống tốt hơn trong cộng đồng dân cư và xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh.

          c) Đặc điểm của di tích:

          - Chùa Chung nằm ở đầu thôn La Ngoại, phía sau thượng điện có cây thị cổ thụ tạo nên không gian thiêng cho di tích. Di tích nằm gần đường, thuận tiện cho việc đi lại và tổ chức lễ hội truyền thống.

          - Khuôn viên chùa Chung hiện nay rất hẹp do phần lớn diện tích đất chùa trước đây nay đã được chia làm đất thổ cư cho nhân dân, hai bên và phía sau thượng điện là nhà dân che chắn nên phần nào ảnh hưởng đến mỹ quan và sự phát huy tác dụng của di tích.

- Chùa Chung được khôi phục, tôn tạo trên nền đất cũ tuy không đặc sắc về mặt kiến trúc và cảnh quan nhưng lại có giá trị nổi bật ở hệ thống cổ vật được thờ trong di tích, xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật điển hình của thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Cùng với thời gian, lớp sơn ngoài của tượng đã bị phai nhạt đi nhưng điều đó lại làm tăng thêm sự chân thật, có “hồn" của các pho tượng mà không phải di tích nào cũng có được trong trào lưu làm mới tượng như hiện nay.

5. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến di tích:

a) Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945: 

Hàng năm, tại chùa Chung có các ngày lễ tiết như sau:

- Ngày 15 tháng giêng lễ Thượng Nguyên;

- Ngày mồng 3 tháng 3 giỗ Mẫu;

- Ngày mồng 8 tháng 4 lễ Phật Đản;

- Ngày 15 tháng 7 lễ Vu lan (lễ Xá tội Vong nhân).

Ngoài ra, vào những ngày tuần tiết, sóc vọng tại chùa tổ chức các buổi lễ cúng Phật cầu cho nhân khang vật thịnh, người dân được no ấm, mùa màng bội thu, thắng lợi.

b) Lễ hội hiện nay:

- Sau khi khôi phục chùa vào năm 1995, được sự đồng ý của chính quyền thôn La Ngoại, hàng năm vào ngày 15 tháng ba (âm lịch), chùa Chung lại mở hội, các ngày lễ tiết như trên vẫn được duy trì như cũ.

Hội chùa được mở trong hai ngày, từ ngày 15 đến ngày 16. Đây là lễ hội lớn của thôn, do thôn đứng ra tổ chức. Trước lễ hội, thôn bầu ra một Ban Khánh tiết gồm 12 người: đồng chí Trưởng thôn làm Trưởng ban, đồng chí Bí thư chi bộ số 5 và Bí thư chi bộ số 6 làm Phó ban (thôn La Ngoại do địa bàn rộng nên hiện nay được chia làm hai khu 5 và 6), đại diện các tổ chức của thôn: Cựu Chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi và Hội Phụ nữ... làm uỷ viên. Đại diện Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã Ngũ Hùng tới dự. Ban Khánh tiết có nhiệm vụ chủ trì các hoạt động lễ hội của nhân dân, mời và đón tiếp đại biểu, khách mời các xã phía Nam huyện Thanh Miện: Chi Lăng Bắc, Thanh Giang, Lê Bình, Tứ Cường; các chùa thuộc các xã huyện Ninh Giang: Tân Quang, Văn Hội, Hoàng Hanh tới tham dự. Các công việc chuẩn bị khánh tiết, lau dọn đồ thờ, sắm sửa, bày biện hoa lễ, làm cỗ chay, Ban Khánh tiết giao cho do ban hội tự của chùa (cỗ chay làm hoàn toàn bằng thực vật gồm rau, đậu, khoai, măng…không dùng tới thịt, mắm khô...).

Trong những ngày lễ hội, tiếng tụng kinh, niệm phật của các già lam tín nữ cùng tiếng chuông chùa âm vang có một sức lay động lòng người, hướng con người vào cõi thiện tâm, đồng thời thắt chặt các mối quan hệ bang giao giữa các làng xã cùng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp.

6. Khảo tả di tích:

 a. Khái quát về phạm vi, quy mô, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích:

Chùa Chung có quy mô nhỏ, khuôn viên hẹp, diện tích ….m2, với nhiều hạng mục công trình tín ngưỡng mới được xây dựng, tôn tạo, hiện có các hạng mục công trình:

- Giếng chùa;

- Chùa chính;

- Nhà ngang (nhà kho);

- Công trình phụ.

b) Giới thiệu cụ thể về di tích:

            Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu; căn cứ vào hệ thống bia ký và lưu truyền trong nhân cho biết: Chùa Chung được khởi dựng từ khá sớm. Vào năm Hoàng triều Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), di tích được trùng tu tòa thượng điện và tiền đường. Thời Nguyễn (thế kỷ XIX), di tích tiếp tục được tu sửa, tôn tạo thượng điện. Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của thôn mà còn của các vùng lân cận, vì vậy trong quá trình xây dựng và tu tạo chùa có sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân khắp nơi.

 Theo trí nhớ của các cụ cao tuổi tại địa phương cho biết, trước đây ngôi chùa nằm ở một vị trí rất đẹp, trong một quần thể kiến trúc. Khuôn viên di tích ước tính khoảng 6 sào Bắc bộ. Phía trước là giếng chùa, qua giếng khoảng 200m về hướng Tây - Tây Nam là giếng đình, đồng thời cũng là giếng chung của cả làng. Sau giếng là đình Chung (tức là đình Chung của thôn La Ngoại), đây là một ngôi đình đẹp và có quy mô lớn gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, bố cục theo hình chữ Đinh (J), xây dựng kiểu kiến trúc truyền thống (có gian dĩ, mái vút cong về 4 phía), phía trước có hai dãy giải vũ. Liền sát giếng là khoảng sân đất rộng và bốn tấm bia xếp theo hàng ngay ngắn là đến ngôi chùa kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền đường và 3 gian thượng điện với những lớp đao cong ẩn hiện dưới tán cây thị, cây đa, chất liệu bằng gỗ lim chắc khỏe. Hệ thống cột kê trên chân tảng bằng đá tròn cổ bồng, tại các vì kèo và bảy hiên có nhiều bức chạm nghệ thuật tạo cho cảnh chùa vẻ thâm nghiêm cổ kính nhưng vẫn rất dung dị, gần gũi đời thường. Sau chùa chính là ao và 3 gian nhà Tổ bằng tre đồng thời cũng là nơi ở cho người trông nom chùa.

 Trải qua năm tháng và chiến tranh, ngôi chùa có nhiều thay đổi. Năm 1962, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan", 3 gian tiền đường bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng nhà kho của Hợp tác xã và 3 gian thượng điện cũng bị xuống cấp và hư hại. Toàn bộ hệ thống di vật, cổ vật được chuyển xuống thờ tại 3 gian nhà ngang. Khuôn viên của di tích cũng bị thu hẹp lại và chia làm đất ở của dân. Dấu vết của ngôi chùa xưa chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ của giếng và cây thị cổ thụ cùng hệ thống di vật cổ vật phong phú, điển hình có giá trị về mặt văn bản, nghệ thuật và niên đại gồm 3 tấm bia đá được khắc dựng vào các năm: Hoàng triều Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), hậu Lê (thế kỷ XVIII) và Minh Mệnh thứ 13 (1832) cùng 22 pho tượng gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX): tượng Quá Khứ, tượng Vị Lai, tượng Thánh Hiền, tượng Hầu, tượng ADiĐà (2 pho), tượng Quan Âm Tống Tử, tượng Tứ Phối, tượng Ngọc Hoàng, tượng Khuyến Thiện, tượng Trừng Ác, tượng Đức Ông, tượng Mẫu, tượng Thập điện Diêm Vương (gồm: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngọ Quan Vương, Thái Sơn Vương, Diêm La Vương, Biến Thành Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương). Đây là những di sản văn hóa quý giá đã được chính quyền và nhân dân địa phương tích cực bảo vệ.

          Chùa Chung toạ lạc tại đầu thôn La Ngoại, từ con đường chính của xã Ngũ Hùng rẽ vào di tích khoảng 15m. Trước mặt di tích là đường thôn, qua con đường thôn là giếng chùa. Công trình không có tam quan hay cổng ra vào ngăn cách. Liền sát và cao hơn mặt đường thôn khoảng 30cm là sân chùa lát gạch vuông đỏ, khoảng sân này cũng khá hẹp. Bên trái sân là ban thờ Thổ thần và ban thờ Mẫu lộ thiên cùng hai tấm bia đá ẩn hiện dưới tán lá của cây đại mới được trồng trong mấy năm gần đây. Bên phải sân là tấm bia “Phúc Hưng tự - ?? tộc" được khắc dựng vào năm Hoàng triều Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714) và tấm bia (tên bia đã bị mờ) có niên đại vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Phần cuối sân ở chính giữa là lư hương, hai bên là hai cây đèn đá do hai ông Đoàn Xa Việt và Đoàn Xa Tuýnh thôn La Ngoại công đức vào năm 2012. Phía sau lư hương và hai cây đèn đá là chùa Chung, kiến trúc kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh" gồm ba toà nhà: tiền đường, trung đường và thượng điện. Công trình được bao quanh bởi tường gạch ngăn cách với các hộ dân xung quanh, liền sát tường hồi bên trái thượng điện là cây thị cổ thụ, cành lá xum xuê xoè rộng toả bóng mát cả một góc chùa.

Toà tiền đường 5 gian dài…, rộng…xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Cửa vào gồm ba bộ ghép ván bưng kết cấu đơn giản giống như nhà dân, một bộ cửa to ở giữa, hai bộ nhỏ hơn ở hai bên, hai hồi xây tường bít kín. Kết cấu hiên không có hệ thống kẻ mà thay vào đó là những mảng tường xây gạch nối giữa tường và trụ gạch ở hiên đỡ mái. Khung vì chịu lực bên trong gồm 4 bộ vì kiểu quá giang, gác tường, chất liệu chủ yếu bằng bê tông cốt thép, riêng hai vì kèo gian hồi là hai thanh gỗ dựng lên đỡ mái. Các vì trên quá giang kiểu “kèo cầu, trụ báng", hoành, rui chất liệu bằng gỗ. Thượng lương chắc khoẻ. Toà tiền đường từ gian giữa toả sang hai bên cho đến gian hồi, kích thước gian cứ thu hẹp dần: 2,2m; 2,1m; 1,52m. Do đó, nhìn trực diện toà tiền đường như bị hút về hai đầu làm tôn không gian ở giữa. Hiện nay, toà nhà này có chức năng làm nơi hội họp, sắp lễ.

Phần mái sau nhà tiền đường, tính từ chỗ ngói nhỏ giọt nước xuống khoảng 1m, xây tường gạch nối với tường toà nhà trung đường và đổ mái bằng tạo cảm giác các công trình liên hoàn, liền mạch. Phía hồi phải tiền đường và phần nối tiếp giữa tiền đường và trung đường có hai cửa thông ra sân và nhà ngang của chùa. Phía trước sân phụ này là nhà dân. Nhà ngang gồm hai gian, mái lợp prôximăng làm nơi chứa đồ và làm cỗ chay khi vào hội.

Song song với toà tiền đường là toà trung đường có chiều dài……..rộng, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Khung vì chịu lực gồm hai vì kèo kiểu quá giang, gác tường, chất liệu bằng bê tông cốt thép. Trên qúa giang, vì nóc bằng gỗ kiểu “kèo cầu trụ báng". Đây là hai vì nóc của toà tiền đường cũ còn lưu giữ lại được khi công trình bị xuống cấp, khi nhân dân địa phương khôi phục lại toà trung đường đã tận dụng lại. Khoảng cách giữa các gian tại toà trung đường cũng không bằng nhau, gian giữa có diện tích 1,92m, hai gian bên có diện tích 2,15m.

Thượng điện 1 gian nối với toà trung đường ở phía sau tạo cho công trình có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh. Thượng điện được xây gạch cuốn vòm, không có khung vì.

Nhìn tổng thể, chùa Chung là một công trình tôn giáo tín ngưỡng được khôi phục và tôn tạo lại trên nền đất cũ với quy mô nhỏ, trang trí kiến trúc đơn giản ở cả phần ngoại thất và nội thất.

Việc bài trí tượng thờ tại di tích được tập trung chủ yếu tại tòa thượng điện và hai bên tường hồi của tòa trung đường. Hệ thống bệ thờ đặt tượng ở thượng điện được xây cuốn bằng gạch chắc chắn. Theo thứ tự từ trên xuống xuống gồm các lớp tượng như sau:

Lớp thứ nhất: gồm ba pho tượng Tam Thế và một pho tượng Hầu. Tượng Tam Thế được xếp ngồi ngang nhau. Tên gọi đầy đủ của ba pho tượng này là “Tam Thế thường trụ diệu Pháp thân" (Pháp thân là cái thân chân thật, cái đạo thể, pháp tín; Diệu là đẹp, sáng, sạch, tinh tế, nhiệm màu, thoát khỏi phiền não…; Thường trụ là luôn luôn tồn tại, lúc nào cũng thế, không lệ thuộc vào bất kể điều kiện nào, không sanh, không diệt cũng không thay đổi, không gián đoạn...) có nghĩa là: pháp thân chân thật đẹp đẽ của Đức Phật ở ba thời Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng của thế giới hữu hình, không lệ thuộc vào không gian và thời gian. Chính giữa là tượng Hiện Tại, bên trái là t­ượng Quá Khứ, bên phải là tượng Vị Lai.

        Lớp thứ hai: gồm 5 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng Thánh Hiền,  tượng Quan Thế Âm, tượng ADiĐà, tượng Đại Thế Chí và tượng Tổ.

        Lớp thứ ba: gồm 3 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng A Nan, tượng A Di Đà và tượng Ca Diếp.

       Lớp thứ tư: gồm 3 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn và tượng Di Lặc.

       Lớp thứ năm: gồm 3 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng Quan Âm Tống Tử, tượng Quan Âm Tống Tử và tượng Tứ Pháp (?).

        Lớp thứ sáu: gồm 3 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng Nam Tào, tượng Ngọc Hoàng và tượng Bắc Đẩu.

        Lớp thứ bảy: gồm 3 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng cô Quỳnh, toà Cửu Long và tượng cô Quế.

        Lớp thứ tám: gồm 2 pho, theo thứ tự từ trái sang phải gồm: tượng Khuyến Thiện và tượng Trừng Ác.

        Để mở rộng không gian thờ tự, hai đầu hồi toà thượng điện được tạo thành hai ô nhỏ có diện tích 2,2m, mái đổ bằng, bên trong đặt tượng Đức Ông và tượng Mẫu.

        Tiếp theo, là hệ thống tượng được bày tại gian trung đường. Tại toà nhà này có bộ tượng Thập Điện Diêm Vương gồm 10 pho được đặt ở hai bên hồi, mỗi bên năm pho.

Cuối cùng là tượng Địa Tạng được bày ở hồi bên trái toà tiền đường.                                                           

Thông qua hệ thống tượng thờ tại chùa Chung, đặc điểm nổi bật ta nhận thấy  rằng cách bài trí các lớp tượng chưa hợp lý trong một không gian quá hẹp và chật chội, một số pho tượng đặt không đúng vị trí thờ tự như tượng Thánh Hiền, tượng sư Tổ, tượng Khuyến Thiện, tượng Trừng Ác, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương....Kích thước các pho tượng nhỏ và trung bình nhưng được bày dày đặc, lớp tượng bên dưới che mất lớp tượng bên trên nên nhìn từ ngoài vào khi chiêm bái phần nào ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giá trị tạo hình của các pho tượng.

7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:

(Có sơ đồ kèm theo)

8. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ thuộc di tích:

- Chùa Chung là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Đạo Phật luôn đặt một trọng tâm vào việc giáo dục thiện tâm, tính nhân bản, mọi điều tốt lành cho mình và cho người.

- Chùa Chung được trùng tu lớn vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX), từng là một ngôi chùa có quy mô kiến trúc và cảnh quan đẹp trong lịch sử. Cùng với thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi chùa không còn lưu giữ được nhưng hình ảnh của ngôi chùa xưa vẫn in sâu trong tâm trí của các bậc cao tuổi trong thôn. Hướng về đạo Phật, khát khao có nơi thờ tự, nhân dân thôn La Ngoại nói riêng, xã Ngũ Hùng nói chung và những người con quê hương đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền tổ quốc đã đồng lòng, đồng sức góp công, góp của khôi phục lại ngôi chùa trên nền đất cũ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân địa phương.

- Hệ thống tượng thờ tại chùa Chung với các pho tượng như tượng Quá Khứ, tượng A Di Đà, tượng Quan Âm Tống Tử, tượng Mẫu, tượng Đức Ông, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương…có bố cục, cân đối, tạo hình đẹp…xứng đáng là tiêu bản khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Các tư liệu Hán nôm gồm 3 tấm bia đá, câu đối không chỉ có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử đất và người La Ngoại xưa.

Ngôi chùa còn là thiết chế giáo dục truyền thống đối với cộng đồng và nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.

9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

- Về đất đai: Khuôn viên chùa Chung hiện nay thu hẹp hơn rất nhiều so với trước đây, phần lớn diện tích đất chùa nay là nhà ở của dân. Ngôi chùa cũ đã bị tàn phá và xuống cấp, hư hại. Các công trình tín ngưỡng mới được xây dựng, quy mô khiêm tốn. Mặt khác, liền sát hai bên sân là nhà dân nên làm mất cảnh quan cũng như sự phát huy tác dụng của di tích.

        - Về tổ chức quản lý: Chùa Chung hiện do Ban Hội tự quản lý. Ban Hội tự do thôn bầu ra gồm 20 cụ ông, cụ bà có tuổi từ 65 trở lên. Ban Hội tự có trách nhiệm trông nom, giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên chùa sạch sẽ, mở cửa cho nhân dân làm lễ, cúng phật, mua sắm hoa lễ, đèn nhang, phối hợp với thôn xây dựng kế hoạch và tổ chức hội chùa đồng thời có phương án bảo vệ, giữ gìn các di vật, cổ vật không bị mất mát.

Công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích cũng được Ban Hội tự chú trọng như thay hoành, rui, lợp ngói, lát sân…đã làm cho khuôn viên di tích thêm sạch sẽ, khang trang.

            10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị  di tích:

- Chủ sở hữu di tích hiện nay thuộc cộng đồng cư dân thôn La Ngoại.

+ Ngày   tháng   năm UBND xã Ngũ Hùng đã có Quyết định số ....thành lập Ban quản lý di tích với thành phần:

- Trưởng ban: 01 đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã.

- Phó ban: 01 đồng chí Trưởng thôn. Các thành viên trong ban gồm 5 - 7 người có uy tín, có năng lực, đại diện cho các tổ chức quần chúng.

- Kiểm kê các di vật, cổ vật tại chùa theo định kỳ.

- Các pho tượng cổ có niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) phải bảo vệ nguyên hiện trạng, tránh các hình thức sơn thếp mới.

- Sắp xếp lại hệ thống tượng thờ cho phù hợp.

- Có các hình thức tuyên truyền về giá trị của ngôi chùa trong các buổi họp thôn, xóm, trên cơ sở đó động viên và khuyến khích những hộ dân sống gần khu vực chùa chuyển đi nơi khác, để dành đất cho chùa mở rộng cảnh quan. Kinh phí chuyển nhượng đất có thể trích một phần từ ngân sách của thôn, xã và những nhà hảo tâm công đức. Trên cơ sở đất đai được mở rộng sẽ xây dựng các công trình phụ trợ cho di tích như tam quan, nhà tổ, nhà khách, nhà bia…

- Phát động toàn dân tham gia đóng góp công đức để tu bổ tôn tạo di tích theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ quan chức năng.

- Kè lòng và xây dựng lan can bao quanh giếng chùa.

- Duy trì và mở rộng hội chùa vào ngày 15 tháng giêng, có kế hoạch và phương án tổ chức cụ thể.

- Khôi phục lại ngôi chùa xưa theo đúng kiến trúc cũ kiểu chữ Đinh (J), kiến trúc xây dựng phải đảm bảo theo nguyên tắc truyền thống.

11. Kết luận:

Căn cứ vào các điều 28, 29, 30, 31, 32 của Luật Di sản văn hoá của Nhà nước ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; căn cứ vào Quyết định số 1987/QĐ - UBND ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dư­ơng, về việc ban hành Quy chế "Quản lý và xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương"; căn cứ vào Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích; căn cứ vào giá trị di tích, chúng tôi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ra Quyết định xếp hạng chùa Chung, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện là: di tích lịch sử.

12. Tài liệu tham khảo:

+ Thư mục tài liệu tham khảo:

- Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, NXB KHXH- Hà Nội 1981;

- Địa chí Hải Dư­­­­­ơng; Tập I; Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Hải Dương; NXB chính trị Quốc gia; năm 2008;

 - Hải Hưng năm tháng và sự kiện (1945 - 1995), Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hải Hưng, xuất bản năm 1995;

- Chùa Hà Nội - NXB Văn hoá Thông tin - Hà Nội - 1997.

- Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích và danh lam thắng cảnh;

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Ngũ Hùng, tập I  (5/1947 - 5/1997); Ban chấp hành Đảng bộ xã Ngũ Hùng khoá XIX, xuất bản năm 1997;

- Luật Di sản văn hoá năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

- Nghị Định số 98/2010/NĐ- CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

         - Bia ký, câu đối, đại tự tại di tích.

          + Những người cung cấp tư liệu:

Ông: Nguyễn Đức Nghiêm: 84 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng);

Ông: Phạm Công Mỹ: 80 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng);

Ông: Nguyễn Danh Đức: 80 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng);

Ông: Đặng Thị Đài: 76 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng);

Ông: Phạm Hồng Kỳ: 74 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng);

Ông: Nguyễn Xuân Ngợi: 68 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng);

Bà: Lê Thị Muộn: 67 tuổi (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng).

13. Xác định cá nhân, tổ chức lập lý lịch di tích:

- Lý lịch được lập ngày 20 tháng 8 năm 2013.

- Người xây dựng hồ sơ: Đặng Thị Thu Thơm

- Phó phòng Bảo tồn di tích - Bảo tàng tỉnh.​

Để biết thêm chi tiết về di tích lịch sử chùa Chung- thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương mọi người có thể quét mã QR code dưới đây:


* Đường chỉ dẫn bản đồ đến di tích Chùa Chung: Xem chi tiết tại đây​

3. DI TÍCH ĐÌNH, CHÙA NẠI TRÌ

Đình, Chùa nại trì là di tích lịch sử thời Nguyễn, thuộc xã Nại Trì tổng La Ngoại, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Nay là thôn Nại Trì, xã Ngũ Hùng, huyện thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Di tích được xây dựng khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ 19). Đình thờ Đông Lang và tây Lang là thiên Thần xuất hiện trong tín ngưỡng của người Việt cổ từ thời Hùng Vương. Theo thần tích, thời Lý Thái Tông (1039 – 1041) Vua đánh giặc qua Nại Trì đã có cầu lễ “Âm phù”. Thắng trận trở về, vua phong tặng duệ hiệu: “Thượng Đàng tối linh phúc Thần”. Qua các triều đại phong kiến, di tích đều được sắc phong thần và cho phép thờ tự. Chùa Nại Trì là nơi thờ phật và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Trước cách mạng tháng tám năm 1945, đình chùa  Nại trì xây dựng theo hướng Tây Bắc, khu di tích bị giải hạ trong thời kỳ 1960 – 1961, đồ thờ tất tán. Theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương đã cho khôi phục Đình và Chùa Nại Trì trên cơ sở tu bổ kiến trúc cổ.
Hiện tại khu di tích còn bảo lưu được 7 pho tượng thời Nguyễn (TK 19), 01 bản thần tích thời Lê do Nguyễn Bỉnh phụng soạn năm Hồng phúc nguyên niên (1572) và 02 tấm bia hậu đình dựng vào các năm 1815 và 1831 có giá trị cần được nghin cứu.
(Ngày 08/01/1991 Bảo tàng tỉnh Hải Dương về khảo sát, Giám đốc bảo tàng Tăng Bá Hoành ký xác nhận).

 

Để biết thêm chi tiết về di tích lịch sử Đình chùa Nại Trì - thôn Nại Trì, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương mọi người có thể quét mã QR code dưới đây:

 

Nguồn: Xuân Hoàng - Công chức văn hóa thông tin xã Ngũ Hùng.​